Hướng dẫn cha mẹ giáo dục giới tính cho trẻ mầm non đúng cách với những gợi ý hay dưới đây sẽ góp phần giúp cho các bậc cha mẹ nắm rõ trẻ nhỏ có thể tiếp thu những gì, cần dạy trẻ như thế nào. Nói đến vấn đề giới tính, nhiều người gạt phắt đi và cho rằng trẻ mầm non còn nhỏ biết gì mà dạy, hay “vẽ đường hươu chạy”… Thực tế, việc thiếu kiến thức có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếng, chính vì vậy giáo dục giới tính cho trẻ rất quan trọng.
Các bậc cha mẹ hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây để có cách giáo dục giới tính cho con thật đúng đắn nhé.
Trẻ ở độ tuổi mầm non đã biết tò mò về giới tính?
Ở độ tuổi mầm non, tức giai đoạn từ 3-5 tuổi, bé đã sẵn sàng về mặt thể chất và tâm thần vận động để học hỏi, hòa nhập với thế giới xung quanh. Tuy nhiên, đi kèm với việc giúp con phát triển kỹ năng, kiến thức thì bố mẹ cũng cần phải sẵn sàng để giáo dục giới tính cho con ngay ở giai đoạn này để “vẽ đúng đường cho hươu chạy” và giải tỏa những thắc mắc nhạy cảm, ngây ngô của con trẻ về sự khác biệt giới tính.
Sự tò mò về giới tính của bé thực ra bắt đầu khá sớm: 3 tuổi. Đó là khi bố mẹ nghe bé gái hỏi “Mẹ ơi sao bạn Nam đứng tè được mà con lại phải ngồi?”, thậm chí “Sao bạn đó có chim dài mà con thì không?”. Một số bé gái sẽ “đứng” như bé trai và có khi bé trai lại thực hiện “ngồi” như bé gái. Những lúc như vậy, bố mẹ đừng cho rằng đó là hành vi lệch lạc và quở mắng bé. Nhưng bố mẹ ơi, hãy khoan trách mắng con bởi vì hầu hết bé dưới 3 tuổi thường bắt chước hành vi của cả hai giới. Đó chỉ là một trong những điều rất tự nhiên trong quá trình phát triển cả bé. Bé đang tuổi khám phá xung quanh và khám phá chình mình kia mà.
Giáo dục giới tính cho bé 2 tuổi như thế nào
Giáo dục giới tính tuổi mầm non nên được “dự bị” trước khi bé vào mẫu giáo, qua việc bố mẹ trước tiên là chọn đồ chơi cho bé, chọn trang phục và chọn kiểu tóc cho con. Bé trai nên chọn màu xanh hoặc những màu gam lạnh trong trang phục, và cho bé chơi những đồ chơi là vật chuyển động và phát ra âm thanh mạnh mẽ (chơi người máy, chơi đánh trận,…). Bé gái thì chọn gam màu nóng kèm thêm các phụ kiện như kẹp tóc, nơ, vòng tay. Đồ chơi của bé gái cũng nên nhẹ nhàng, nữ tính (chơi làm bếp, thời trang búp bê, trò chơi đi chợ buôn hàng,…). Vì đây là giai đoạn nền tảng, bé chưa hiểu nhưng sẽ ghi nhớ những sự khác biệt bề ngoài giữa con trai và con gái. Thông qua đó, bố mẹ có thể xây dựng, định hướng được cho bé bản chất giới tính của mình.
Cách giáo dục giới tính cho bé 3 tuổi
Việc đặt một câu hỏi để bé khẳng định “Con là con trai hay con gái?” cũng không phải là thừa trong những mẫu hội thoại nói chuyện hằng ngày với con. Bố mẹ nên thường xuyên giới thiệu cho con các hình ảnh về hoạt động vui chơi mang tính chất đặc trưng giới tính của con trai và con gái. Ví dụ như cho các bé trai xem đá banh, chơi trận giả… còn các bé gái chơi búp bê, tết nơ kẹp tóc…
Tuy nhiên, bố mẹ cần lưu ý rằng hướng con chơi với nhóm bạn cùng giới cùng giới ở bé còn nhỏ chưa thực sự là điều bắt buộc (như bé trai chỉ được chơi với con trai), nhưng động thái này phải được thực hiện nếu như đến giai đoạn tuổi tiền dậy thì bé có biểu hiện nhận thức lệch lạc về giới tính của bản thân. Bé tuổi mẫu giáo trai gái chơi chung nhưng ít khi kết thân và tình bạn ít khi duy trì lâu dài. Hãy để tuổi thơ của bé trải qua đầy đủ sự hiện diện của các giới tính tự nhiên cần có.
Một số trò chơi như chăm sóc gấu bông, búp bê, làm bếp, bán hàng… không phải là trò chơi hoàn toàn mang tính đặc quyền “chỉ có con gái mới chơi”. Đó là những trò chơi đóng vai, chơi giả bộ đòi hỏi sự tư duy cao và rèn luyện kỹ năng biết quan tâm chăm sóc người khác. Bố mẹ có bé trai đừng cấm đoán con tham gia những trò chơi này, nhưng có thể hướng con chọn búp bê nam, và đóng vai trò nam giới trong trò chơi thay vì búp bê nữ. Con trai cũng cần phải biết nấu ăn, biết quan tâm chia sẻ trong cuộc sống khi trưởng thành đấy.
Ngoài ra, giai đoạn này bố mẹ thường xuyên nhận được những câu hỏi “khó đỡ” từ con trẻ về vấn đề giới tính của mình. Khi đó, bố mẹ cần trả lời rõ ràng, rành mạch nhưng không cần đi sâu vào chi tiết và nhấn mạnh sự khác biệt giới tính cho bé hiểu như: “Vì con là con gái, bạn Nam là con trai nên không giống nhau, nếu con tiểu đứng thì sẽ bị ướt chân đấy; Bạn Tuyết mặc váy vì bạn Tuyết là con gái, còn con là con trai nên không mặc váy được, con thử tưởng tượng bạn Long mà mặc váy xem có buồn cười không…”
Nguyên tắc chung khi giáo dục giới tính cho trẻ mầm non 3-5 tuổi
Chủ động nói chuyện với bé
Khi ở thế chủ động bạn sẽ bớt lúng túng bởi những tình huống hỏi đáp do bọn trẻ đưa ra. Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát cơ hội để trò chuyện với con về chủ đề giới tính chẳng hạn như dạy con về bộ phận sinh dục khi cho bé đi tắm, nói với con vì sao khi đi vệ sinh con gái ngồi còn con trai lại đứng… Và nếu bạn đang mang bầu bé kế tiếp thì hãy tận dụng cơ hội này để kể cho bé về sự phát triển và hình thành của em bé.
Nên giải thích cho trẻ đơn giản
Trẻ 3 tuổi và 5 tuổi cần có sự giải thích khác nhau về bộ phận sinh dục của bản thân. Nếu bạn quá nghiêm túc hoặc đùa cợt khi nói chuyện với con đều khiến cuộc trao đổi không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Hãy thận trọng và tự hỏi con đã thực sự tiếp thu được những khái niệm như “dương vật”, “âm đạo” hay “tinh trùng” chưa? Vì vậy, hãy tìm nhiều hình thức khác nhau để giải thích một cách đơn giản cho bé hiểu điều cha mẹ muốn nói. Đừng quên rằng, bạn đang giáo dục con và cần sự chính xác.
Luôn có đáp án cho câu hỏi của con
Vợ chồng bạn đã thực sự bất ngờ khi cô con gái 4 tuổi của mình đặt câu hỏi tại sao em trai có những thứ bé không có. Đừng vội thể hiện sự bối rối hoặc lảng tránh câu hỏi của bé vì bạn nghĩ bé chưa đủ tuổi để biết về một chủ đề nhạy cảm hoặc chưa biết cách phải trả lời như thế nào.
Cha mẹ lưu ý khi bé đưa ra những câu hỏi tế nhị như vậy, bạn không nên im lặng hoặc phớt lờ trẻ vì bé có thể suy nghĩ mình không được bố mẹ quan tâm, yêu thương. Những câu hỏi bé đưa ra thảo luận cùng cha mẹ cho chúng ta biết được điều gì đang diễn ra trong tâm trí non nớt của con và cần phải giúp đỡ con như thế nào?
Nếu trong tình huống bạn đang quá bận rộn hoặc chưa thể tìm phương án trả lời phù hợp với trẻ, bạn được phép gia hạn thời gian nhưng đừng trì hoãn điều này quá lâu và cần chủ động gợi lại việc trả lời cho bé.
Dạy bé bảo vệ vùng nhạy cảm và không động chạm cùng nhạy cảm của người khác
Bạn phát hiện con trai bé bỏng của mình vô tình chạm vào ngực bạn khác giới? Bạn hốt hoảng khi con bảo bác hàng xóm đã sờ vào vùng kín của con. Hãy kiểm soát cảm xúc của mình và tìm cơ hội hướng dẫn nhẹ nhàng cho bé hiểu về vùng nhạy cảm của bản thân và người khác giới.
Khi bạn cho con đi bơi hoặc đưa bé vào phòng tắm hãy chỉ cho con biết có những vùng “bất khả xâm phạm” của người khác và bé sẽ không được phép chạm vào dù người đó là bất cứ ai.
Bên cạnh đó, bạn cần chắc chắn bé hiểu được rằng không ai được chạm vào khu vực nhạy cảm của bé, chỉ trừ bố mẹ. Bác sĩ khi khám bệnh và nếu ai đó cố gắng làm như vậy, bé cần phải nói với bố mẹ ngay lập tức.
Giúp đỡ trẻ nhận thức rõ giới tính của mình
Trẻ nhỏ sớm phân biệt sự khác nhau về ngoại hình giữa hai giới nam và nữ, đồng nghĩa với việc trẻ cũng có nhưng so sánh và băn khoăn như bạn có, con không có; bạn to, con nhỏ; bạn làm được, con không làm được… Hãy quan tâm đến những thắc mắc và biến đổi trong suy nghĩ của con để trẻ luôn thấy rằng, mình cần tự hào về giới tính của bản thân và đón nhận nó như một lẽ tự nhiên.
Dạy bé về tính riêng tư cá nhân
Hãy nói với trẻ về khoảng không gian nào bé được phép thể hiện tính riêng tư cá nhân của mình? Bé có thể thay đồ trong phòng riêng, tụt quần khi đã vào nhà vệ sinh hoặc chạm sờ vào bộ phận sinh dục của mình khi bé trong phòng tắm hoặc phòng ngủ của mình. Ngược lại đây là điều không được phép làm khi ở chốn đông người hoặc phòng khách gia đình.
Bạn cần giúp bé định hình về khái niệm kín đáo, tế nhị khi liên quan đến cơ thể bản thân nói chung và bộ phận sinh dục nói riêng.
Lưu ý khi giáo dục giới tính cho bé
Nếu đến 3 tuổi bé cũng không nhận biết được giới tính của mình, thậm chí có thái độ phủ nhận bộ phận sinh dục của mình thì đây là dấu hiệu đáng lo và bố mẹ cần đưa bé đến bác sĩ tâm lý để kiểm tra và can thiệp sớm. Ví dụ như nếu bé trai bảo con không thích có “chim” như thế này, hoặc thường xuyên tiểu ngồi và có những biểu hiện giống các bạn gái cùng lứa…
Việc bố mẹ áp đặt bé phải thừa nhận và không được chối cãi “con là con trai” hay “con gái phải là con gái” sẽ rất khó khăn để các chuyên gia tâm lý đánh giá được tình trạng giới tính thực sự của bé. Vì thế, điều quan trọng nhất trong việc giáo dục giới tính cho con là tạo cho bé sự tự chủ, thoải mái để khám phá bản thân mình. Bố mẹ nên định hướng chứ không áp đặt.
Việc chọc ghẹo về bộ phận sinh dục của bé cũng là điều cần tránh vì nó sẽ ảnh hưởng đến nhận thức giới tính của con về lâu dài. Nhiều trường hợp, vì cả gia đình mới có cậu con trai độc nhất nên đi đâu cũng khoe “chú chim nhỏ” của con, lâu dần bé sẽ cảm thấy quá mức tự hào với “chú chim” đó và đi đâu cũng sẽ đem khoe khoang và ảnh hưởng đến tâm lý khi trưởng thành.
Các bậc cha mẹ hãy tham khảo bài viết này để có thể giáo dục giới tính cho trẻ mầm non đúng cách, giúp bé phát triển tốt, tránh bị xâm hại nhé. Chúc các bậc cha mẹ nuôi con khỏe dạy con ngoan.